học viện quốc phòng nâng cao chất lượng Huấn luyện và Đào tạo
học viện quốc phòng nâng cao chất lượng Huấn luyện và Đào tạo

Để góp phần nâng cao chất lượng toàn diện trong công tác huấn luyện-đào tạo, những năm qua, Học viện Quốc phòng đã triển khai thực hiện nhiều biện pháp để thực hiện “3 thực chất” (dạy thực chất, học thực chất, đánh giá kết quả thực chất).

Một buổi sáng của tuần đầu năm học 2021-2022, chúng tôi được tham dự buổi giảng mẫu của Đại tá, Thạc sĩ Ngô Văn Cử, giảng viên Khoa Lý luận Mác-Lênin. Buổi giảng mẫu thu hút sự tham gia của nhiều cán bộ chủ chốt trong Ban giám đốc học viện, lãnh đạo Cục Huấn luyện-Đào tạo, Cục Chính trị, lãnh đạo và đông đảo giảng viên của các khoa giáo viên trong toàn học viện.

Đại tá Ngô Văn Cử giảng bài mẫu với chuyên đề “Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo về giáo án, tài liệu, kết hợp với sử dụng công nghệ thông tin hiện đại để trình chiếu nội dung bài giảng trên màn hình lớn, Đại tá Ngô Văn Cử đã thể hiện thành thạo phương pháp thuyết trình, giới thiệu những nội dung cốt lõi, đồng thời cập nhật những điểm mới về xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam vừa được bổ sung vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Coi trọng “ba thực chất” để nâng cao chất lượng huấn luyện-đào tạo
Bài giảng mẫu của Đại tá, Thạc sĩ Ngô Văn Cử, giảng viên Khoa Lý luận Mác-Lênin.

 

Cùng ngày, Đại tá, Tiến sĩ Lưu Bách Định, giảng viên Khoa Quân chủng và Đại tá, Thạc sĩ Nguyễn Mạnh Hùng, giảng viên Khoa Chiến lược cũng thông qua bài giảng mẫu theo kế hoạch. Các bài giảng mẫu được các giảng viên thể hiện nhuần nhuyễn như giảng bài cho học viên trên lớp, thể hiện hài hòa giữa thuyết trình, nêu vấn đề, gợi mở để học viên vừa có điều kiện tiếp thu những kiến thức cơ bản của bài giảng, vừa thu hút và tạo hứng thú cho mỗi người suy nghĩ, tự giác tham gia vào quá trình học tập đạt hiệu quả tối ưu. Trao đổi với phóng viên, Đại tá Ngô Văn Cử cho biết: “Việc thông qua bài giảng mẫu không chỉ có tác dụng củng cố, rèn luyện, nâng cao năng lực, phương pháp sư phạm cho giảng viên mà còn là dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy giữa các giảng viên trong và ngoài khoa. Đây là cơ hội tốt để mỗi giảng viên được trau dồi kiến thức, bổ sung, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao năng lực giảng dạy”.

Để tổ chức các buổi giảng mẫu, trước đó, Cục Huấn luyện-Đào tạo đã ban hành kế hoạch tổ chức giảng mẫu năm học 2021-2022, yêu cầu các giảng viên tham gia giảng mẫu làm tốt công tác chuẩn bị và triển khai biên soạn bài giảng chuẩn mực cả về hình thức, nội dung và cập nhật những thông tin, tư liệu mới đưa vào nội dung bài giảng. Theo Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Đông, Cục trưởng Cục Huấn luyện-Đào tạo, từ nhiều năm nay, Học viện Quốc phòng thường xuyên tổ chức giảng mẫu đối với giảng viên của các khoa nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy của đội ngũ giảng viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện-đào tạo của học viện trong thời kỳ mới.

Những năm gần đây, Học viện Quốc phòng đã triển khai thực hiện các chủ trương, giải pháp tổng thể nhằm xây dựng đội ngũ giảng viên bảo đảm các tiêu chuẩn toàn diện cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, phong cách sư phạm, năng lực giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Nói rõ hơn vấn đề này, Trung tướng Lương Đình Hồng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Học viện Quốc phòng cho biết: “Để có đội ngũ giảng viên giỏi về chuyên môn, tinh thông về nghiệp vụ, có phong cách sư phạm chuẩn mực, học viện đã thực hiện nhiều biện pháp như: Đổi mới nội dung thi cán bộ bộ môn, thi giảng mẫu và thi giảng viên giỏi; tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng toàn bộ đội ngũ giảng viên làm cơ sở xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho giảng viên học tập, nghiên cứu khoa học, đi thực tế tích lũy kinh nghiệm, hội tụ đủ tiêu chí đạt chuẩn chức danh khoa học và danh hiệu nhà giáo… Đến nay, học viện có hơn 85% giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên, trong đó 23% giảng viên có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ”.

Cùng với nâng cao chất lượng giảng dạy, học viện đã tăng cường các biện pháp nhằm nâng cao chất lượng học tập nghiêm túc, thực chất của học viên. Ngoài giờ lên lớp chính khóa, Học viện Quốc phòng quy định đội ngũ học viên Hệ Chiến dịch-Chiến lược mỗi tuần phải có ít nhất 2 buổi tối tự học tập trung trên giảng đường, với thời lượng 90 phút/buổi. Công tác khảo thí, bảo đảm chất lượng đào tạo có nhiều đổi mới, ngày càng đi vào nền nếp; việc tổ chức thi, kiểm tra đánh giá kết quả bảo đảm thực chất, minh bạch, công tâm, khách quan; kiên quyết chống bệnh thành tích và tiêu cực trong huấn luyện-đào tạo. Nhờ làm quyết liệt, bền bỉ giải pháp này đã góp phần xây dựng động cơ, thái độ học tập và rèn luyện đúng đắn cho học viên.

Mới đây, đến dự và phát biểu tại Lễ khai giảng năm học 2021-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Học viện Quốc phòng cần chủ động, tích cực, sáng tạo, đi đầu trong thực hiện chủ trương “Chất lượng đào tạo của nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của đơn vị” mà Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã triển khai; bảo đảm sau khi tốt nghiệp ra trường, học viên không chỉ có phẩm chất chính trị và trình độ năng lực tốt mà còn nắm bắt, theo kịp thực tiễn, giỏi tổ chức hoạt động thực tiễn ở tầm chiến dịch, chiến lược. Cùng với đó, Học viện Quốc phòng cần đẩy mạnh “ba khâu đột phá” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Học viện lần thứ XI, thực hiện “3 thực chất” gắn với “2 thiết thực” (nội dung thiết thực và phương pháp thiết thực); quán triệt và thực hiện phương châm “lấy nhà trường làm nền tảng, lấy giảng viên làm động lực, lấy học viên làm trung tâm”.

Thủ tướng cũng mong muốn, với bề dày truyền thống gần 45 năm xây dựng và trưởng thành, Học viện Quốc phòng nỗ lực phấn đấu tốt hơn nữa, vươn lên xứng tầm với vị thế trung tâm huấn luyện-đào tạo, nghiên cứu khoa học hàng đầu của quân đội và quốc gia về quốc phòng, quân sự.

Nguồn: QĐND

ads