Thứ Tư, Tháng Chín 27, 2023
ads
Trang chủ Tuyển Sinh Khác THPT Quốc Gia THPTQG: Đề thi mức độ phân hóa giảm nhưng vẫn đảm bảo...

THPTQG: Đề thi mức độ phân hóa giảm nhưng vẫn đảm bảo phân loại học sinh

thi thqpqg 2020- nhu nam 2019
thi thqpqg 2020- nhu nam 2019

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 sẽ do các địa phương chủ trì tổ chức, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện về sự an toàn, nghiêm túc của kỳ thi này tại địa phương mình.

Các thí sinh sẽ được thi tại huyện (về cơ bản là tại trường THPT mà mình đang theo học). Việc coi thi sẽ do giáo viên của tỉnh đảm nhận theo nguyên tắc đổi chéo giáo viên giữa các trường với nhau. Cùng với đó, độ khó và mức độ phân hóa của đề thi theo hướng nhẹ hơn…

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) Phùng Xuân Nhạ, dù giao về cho địa phương tổ chức, song Bộ GD-ĐT vẫn phải chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ để kỳ thi tốt nghiệp THPT diễn ra nghiêm túc, trung thực, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ để làm rõ hơn một số nội dung liên quan đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020.

Đề thi mức độ phân hóa giảm nhưng vẫn đảm bảo phân loại học sinh
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Trung Tâm

Phóng viên (PV): Thưa Bộ trưởng, sau 5 lần tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, kỳ thi năm nay có thay đổi nhiều so với những năm trước không?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tại Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã tổ chức nghiên cứu, dự thảo các phương án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Phương án cuối cùng đã nhận được sự ủng hộ của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ cơ bản thống nhất.

Theo đó, phương án tổ chức kỳ thi không có nhiều thay đổi so với năm 2019. Bộ GD-ĐT vẫn tổ chức ra đề thi, xây dựng và cung cấp các phần mềm chấm thi, các thí sinh vẫn dự thi ngay tại địa phương mình. Nội dung thi nằm trong chương trình học sau tinh giản theo tinh thần “học gì thi nấy”. Các bài thi và điểm thi môn thành phần trong các bài thi Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội về cơ bản vẫn như năm 2019. Các trường ĐH, CĐ vẫn có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh.

Điểm khác biệt đáng kể là nội dung thi giới hạn theo chương trình đã tinh giản, độ khó của đề thi sẽ được điều chỉnh, không đánh đố để phù hợp với điều kiện dạy, học trong tình hình dịch bệnh và mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông trên mặt bằng chung của cả nước; thời gian thi rút ngắn.

Ngoài ra, thay vì Bộ GD-ĐT phải điều động gần 50.000 cán bộ, giảng viên đại học về coi thi, chấm thi, giám sát, thanh tra chấm thi như những năm gần đây, năm nay Bộ chỉ điều một số lượng nhỏ về giám sát, thanh tra thi để phù hợp với yêu cầu phòng, chống dịch bệnh. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức kỳ thi và chịu trách nhiệm về sự an toàn, nghiêm túc, chất lượng của kỳ thi tổ chức tại địa phương mình.

Hiện nay, Bộ GD-ĐT đang tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện và sớm ban hành Quy chế thi tốt nghiệp THPT, Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đề thi mức độ phân hóa giảm nhưng vẫn đảm bảo phân loại học sinh
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh năm 2019.

PV: Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh trước một số điều chỉnh tại kỳ thi năm nay, Bộ GD-ĐT đã có những giải pháp gì?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Điều chỉnh một số điểm của phương án thi là tình thế bắt buộc trong bối cảnh học sinh không thể học tập tại trường trong thời gian dài do dịch bệnh và Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 1-7-2020. Mặc dù kỳ thi được giao về cho địa phương tổ chức, song Bộ GD-ĐT vẫn chỉ đạo sát sao, giám sát chặt chẽ để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, trung thực, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan, tin cậy.

Chúng tôi đang lên các phương án cụ thể để giám sát chặt chẽ các khâu của kỳ thi, trong đó đặc biệt là công tác coi thi, chấm thi tại các địa phương, không thể vì dịch bệnh mà lơ là, buông lỏng. Đặc biệt, năm nay Bộ sẽ đối sánh kết quả thi tốt nghiệp với điểm trong học bạ của các em học sinh để qua đó đánh giá được thực chất hơn chất lượng giáo dục phổ thông và tính trung thực trong tổ chức kỳ thi của địa phương.

Do kỳ thi tốt nghiệp THPT nhằm mục đích đánh giá chất lượng giáo dục sau 12 năm học của học sinh nên đề thi vẫn có sự phân hóa phù hợp để phân loại đối tượng học sinh giỏi, khá, trung bình, yếu. Tuy phân hóa mức độ khó có giảm so với các năm trước nhưng vẫn đảm bảo được phân loại học sinh nên các trường ĐH, CĐ có thể sử dụng kết quả để tuyển đầu vào.

Theo nguyện vọng của học sinh (thí sinh tự do) và tiếp thu ý kiến của dư luận xã hội, các cơ quan chức năng, Bộ GD-ĐT thống nhất cho thí sinh tự do được tham dự kỳ thi năm nay để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ.

PV: Bộ GD-ĐT vừa có sự điều chỉnh quan trọng về cách tính đầu điểm bài thi tổng hợp (Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội). Cách tính này khác hoàn toàn với phương án được đưa ra trước đó. Tại sao lại có sự thay đổi này, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Việc sử dụng các bài thi KHTN và KHXH trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT là hướng tới mục tiêu đánh giá toàn diện học sinh, khắc phục tình trạng học lệch trong một bộ phận học sinh. Bên cạnh đó, để phù hợp với mục đích của kỳ thi nghiệp THPT, ban đầu Bộ GD-ĐT chủ trương không tách và chấm các môn thành phần trong các bài thi KHTN và KHXH mà chỉ tính một đầu điểm của từng bài thi này.

Tuy nhiên, trước nhu cầu thực tế của công tác tuyển sinh trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, học sinh đã học và ôn tập theo các môn để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ. Để tạo thuận lợi cho học sinh, không gây tâm lý lo lắng cho các em và phụ huynh, Bộ GD-ĐT quyết định, trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, bài thi KHTN và KHXH tính một đầu điểm để xét tốt nghiệp nhưng vẫn được chấm và công bố điểm các môn thi thành phần.

Quy định này cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các trường ĐH, CĐ tuyển sinh. Tôi đang chỉ đạo xây dựng quy chế tuyển sinh đảm bảo tinh thần thực hiện tự chủ đại học nhưng phải đề cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch và chia sẻ với những khó khăn của học sinh, phụ huynh trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch Covid-19.

PV: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Nguồn: Tổng hợp

ads
error: